Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 2 bột cá cho Trung Quốc nhưng cũng nhập khẩu một lượng đáng kể loại nguyên liệu này làm thức ăn chăn nuôi.
Là nước có nền chăn nuôi phát triển nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải chi lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Không chỉ phụ thuộc vào nước ngoài về mặt nguyên liệu, một số loại nguyên liệu như bột máu, bột thịt xương, chế phẩm vi sinh trong nước đã sản xuất được nhưng sản lượng và chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
“Vậy mới có chuyện chúng ta xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc rồi lại nhập khẩu bột cá về chế biến thức ăn chăn nuôi” – một chuyên gia trong ngành chăn nuôi từng phát biểu trong một hội thảo.
Điều này có thể thấy rất rõ trong con số thống kê của Hải quan. Năm 2022, Việt Nam nhập 129.000 tấn bột cá, giá nhập khẩu trung bình bột cá trong năm 2022 ở mức 1.525 USD/tấn, tăng 18,4% so với năm 2021.
Nhưng hiện nay, Việt Nam cũng là nguồn cung lớn thứ 2 bột cá cho Trung Quốc với giá trị xuất khẩu bột cá của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 đạt 287 triệu USD, chiếm 9,6% thị phần.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn nguồn của Undercurrentnews cho biết, giá bột cá tại Trung Quốc tiếp tục tăng, cụ thể, giá bột cá loại cao cấp hiện tại cao hơn 2.700 NDT/tấn so với mức hồi đầu năm và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cũng đã tăng vọt qua các mức cao trước đó vào năm 2020 và 2018.
Peru cung cấp phần lớn lượng bột cá nhập khẩu của Trung Quốc trong 2022, chiếm 51%. Nhà cung cấp lớn tiếp theo là Việt Nam.
Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 2 bột cá cho Trung Quốc nhưng cũng nhập khẩu một lượng đáng kể loại nguyên liệu này làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: T.L
Các nhà nhập khẩu có thể sẵn sàng tăng giá hơn nữa do nhu cầu mạnh và không có áp lực bán. Chi phí bột cá tăng, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn ở Trung Quốc, chẳng hạn như Haida Group và Tongwei, đã tăng giá thức ăn nuôi tôm ở khu vực Quảng Đông thêm 200 NDT/tấn kể từ ngày 12/6/2023. Một số công ty thức ăn chăn nuôi khác cũng thông báo tăng giá từ ngày 13/6, gồm thức ăn cho cá lóc, cá tra, cá chẽm và các đối tượng nuôi khác.
Nếu giá bột cá Peru vẫn tiếp tục tăng cao trong thời gian dài, các nhà nhập khẩu tăng mối quan tâm đối với các nguồn bột cá hay sản phẩm thay thế khác. Nguồn tin từ nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Quảng Đông cho biết các công ty lớn hơn, như Haid Group, có khả năng tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Chile. James Frank, Giám đốc điều hành của MSICeres, một công ty kinh doanh bột cá của Peru, đã chỉ ra rằng lượng bột cá từ các kho cảng của Trung Quốc hiện đang vượt quá lượng từ nước ngoài, điều này có thể dẫn đến cạnh tranh mạnh về nguồn cung.
Các doanh nghiệp nhỏ hơn không đủ bột cá tồn kho sẽ gặp áp lực trong thời gian tới. Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi hoàn toàn không có lợi cho nông dân.
Theo Tổ chức Bột cá và Dầu cá Quốc tế (IFFO) , tính đến tháng 4/2023, sản lượng bột cá trên toàn thế giới đã tăng 30%. Riêng trong tháng 3, sản lượng bột cá tăng hơn 36% nhờ sản lượng bột cá khai thác của Peru tăng do mùa đánh bắt thứ 2 năm 2022 bắt đầu muộn.
IFFO cho biết sản lượng trong nửa cuối năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng bởi mùa đánh bắt cá cơm và cá cơm trắng đầu tiên ở Peru.
P.V
Báo Dân Việt